HỆ THỐNG XỬ LÝ NƯỚC

Xử lý nước thải sinh hoạt

Nước thải sinh hoạt là nước sau khi sử dụng được thải ra từ hoạt động của người dân ở các khu vực: đô thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, cơ quan, cộng đồng dân cư…

Nguồn gốc phát sinh và tính chất nước thải:

- Nước thải ra từ khu nhà vệ sinh, nhà tắm, toilet: Đây là loại nước thải sinh hoạt chứa nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất, chủ yếu là các chất hữu cơ như: phân, nước tiểu, các khuẩn gây bệnh và cặn lơ lửng. Trong đó, các thành phần ô nhiễm chính đặc trưng thường thấy là BOD5, COD, Nitơ và Phốtpho.

- Nước thải từ khu nhà bếp: Điểm đặc trưng của nước thải từ khu vực nhà bếp là chứa hàm lượng dầu mỡ cao, kèm theo đó là các vụn thực phẩm và rác thải hữu cơ. Lượng dầu mỡ này thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề thoát nước mà dễ thấy nhất là tình trạng tắc nghẽn ống thoát nước.

- Nước thải từ khu tắm giặt: Trong 3 loại nước thải thì nước thải từ khu tắm giặt là ít ô nhiễm hơn cả. Bởi thành phần các chất gây ô nhiễm có trong loại nước thải này không đáng kể. Do đó, nước thải từ khu vực này thường sẽ được đưa thẳng vào xử lý tiếp ở những bước sau mà không cần phải xử lý sơ bộ trước.

Quy trình công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt

Thuyết minh công nghệ:

Nước thải phát sinh ra từ các khu vực nhà ăn, nhà bếp được dẫn qua song chắn rác để loại bỏ rác thô ra khỏi nguồn nước thải, tiếp đến dẫn đến bể thu gom kết hợp với tách dầu mỡ. Sau đó dẫn đến bể điều hòa.

Nước thải phát sinh từ các khu nhà tắm, WC tập trung lại và xử lý cục bộ bằng hệ thống hầm tự hoại. Bể tự hoại là công trình đồng thời làm 2 chức năng: lắng và xử lý cặn lắng. Thời gian lưu nước trong bể từ 1-3 ngày. Trong bể tự hoại có sẵn các loại vi khuẩn, nấm men có tác dụng phân hủy chất thải và khiến chúng trở thành bùn, tuy nhiên chúng chỉ có thể phân hủy một số chất như: đạm, chất béo, xơ trong phân, nước tiểu,...còn với các vật cứng, sắc nhọn không thể phân hủy sẽ nhanh chóng lắng xuống dưới đáy. Bể tự hoại hoạt động theo nguyên lý tạo ra trong hai quá trình là quá trình lắng cặn và quá trình lên men. Trong quá trình lắng cặn trong bể có thể xem như quá trình lắng tĩnh. Dưới tác dụng trọng lượng bản thân các hạt cặn sẽ rơi xuống dưới đáy bể và nước sau khi ra khỏi bể sẽ trong. Cặn rơi xuống bể ở đây có các chất hữu cơ sẽ bị phân hủy nhờ hoạt động của vi sinh vật yếm khí. Sau khi các hạt cặn lắng xuống đáy bể và các chất hữu cơ sẽ bị phân hủy nhờ có các vi sinh vật yếm khí, cặn sẽ lên men, mất mùi hôi và giảm thể tích. Tốc độ lên men của cặn nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiệt độ, độ pH của nước thải, lượng vi sinh vật trong cặn, nhiệt độ càng cao thì tốc độ lên men càng nhanh.

Tiếp đến nước thải sẽ được dẫn đến bể điều hòa cùng với nước thải từ khu nhà ăn, nhà bếp.
Bể điều hòa có chức năng điều hòa lưu lượng và nồng độ nước thải, tạo chế độ làm việc ổn định và liên tục cho các công trình xử lý nước thải. Tránh hiện tượng quá tải cho hệ thống.

+ Bể điều hòa lưu lượng nằm trực tiếp trên đường vận chuyển của dòng chảy hoặc nằm ngoài đường đi của dòng chảy.

Nước thải từ bể điều hòa được bơm sang bể sâu. Bể sâu là bể xử lý sinh học kết hợp cả ba quá trình: hiếu khí - thiếu khí - kỵ khí xảy ra đồng thời trong cùng một thiết bị nên mang lại hiệu quả xử lý cao, năng lượng tiêu thụ thấp, diện tích xây dựng nhỏ. Bể sâu hình trụ có thành bằng bê tông, sắt hoặc bằng nhựa được khoan sâu vào lòng đất từ 50-60 mét có đường kính 0,5-1,0 m và chia làm hai ngăn: ngăn lắng và ngăn nổi. Nước thải được đưa vào ngăn lắng sẽ đi xuống dưới trong lúc được trộn lẫn với nước tuần hoàn trong bể. Nước tuần hoàn trong bể di chuyển với lưu tốc 1,0-1,5 m/s nên không khí cung cấp cho bên lắng sẽ đi theo nước tuần hoàn xuống đáy bể, khi tới đáy không khí hầu như tan vào trong nước do áp suất cao, lượng oxy hòa tan lớn như vậy sẽ khiến quá trình xử lý sinh học nhanh và đảm bảo.

Trong suốt quá trình oxy hóa, các chất ô nhiễm được phân hủy thành carbon dioxide (CO2), nước (H2O), nitrat, sunfat và sinh khối (vi sinh vật). Bằng cách cung cấp oxy với thiết bị sục khí, quá trình này có thể được tăng tốc đáng kể.

Sau khi xử lý ở bể sâu nước thải tiếp tục được dẫn qua bể lắng. Bể lắng có nhiệm vụ lắng các bùn cặn lơ lửng sinh ra trong quá trình xử lý sinh học. Góp phần xử lý triệt để SS còn lại và giảm COD, BOD xuống thấp nhất.

Nước thải tiếp tục tự chảy qua bể khử trùng được bổ sung hóa chất khử trùng (Clo), Clo có tác dụng diệt khuẩn như E.coli, Coliform...Nước thải sau khi khử trùng đạt tiêu chuẩn QCVN 14-2008, cột A, được dẫn ra hệ thống thu gom nước thải của khu dân cư, thành phố.