HỆ THỐNG XỬ LÝ NƯỚC

Xử lý nước thải dệt nhuộm

Ngành dệt là ngành công nghiệp có dây chuyền công nghệ phức tạp, áp dụng nhiều loại hình công nghệ khác nhau. Đồng thời trong quá trình sản xuất sử dụng các nguồn nguyên liệu, hóa chất khác nhau và cũng sản xuất ra nhiều mặt hàng có mẫu mã, màu sắc, chủng loại khác nhau.

Nguyên liệu chủ yếu là xơ bông, xơ nhân tạo để sản xuất các loại vải cotton và vải pha. Ngoài ra còn sử dụng các nguyên liệu như lông thú, đay, gai, tơ tằm để sản xuất mặt hàng tương ứng.

Các chất ô nhiễm chính trong nước thải của công nghiệp dệt nhuộm bao gồm:

- Các tạp chất tách ra từ vải sợi như dầu mỡ, các hợp chất chứa nitơ, pectin, các chất bụi bẩn dính vào sợi (trung bình chiếm 6% khối lượng xơ sợi).

- Các hóa chất sử dụng trong quy trình công nghệ như hồ tinh bột, H2SO4, CH3COOH, NaOH, NaOCl, H2O2, Na2CO3 Na2SO3…, các loại thuốc nhuộm, các chất trợ, chất ngấm, chất cầm màu, chất tẩy giặt. Lượng hóa chất sử dụng đối với từng loại vải, từng loại màu thường khác nhau và chủ yếu đi vào nước thải của từng công đoạn tương ứng.

Đặc trưng quan trọng nhất của nước thải từ các cơ sở dệt – nhuộm là sự dao động rất lớn cả về lưu lượng và tải lượng các chất ô nhiễm, nó thay đổi theo mùa, theo mặt hàng sản xuất và chất lượng của sản phẩm. Nhìn chung nước thải từ các cơ sở dệt – nhuộm có độ kiềm khá cao, có độ màu và hàm lượng các chất hữu cơ, tổng chất rắn cao.

Quy trình công nghệ xử lý nước thải dệt nhuộm

Hình 5: Quy trình công nghệ

Thuyết minh công nghệ:

Nước thải phát sinh theo các hệ thống cống rãnh của nhà máy được thu gom về hệ thống xử lý, đầu tiên nước được cho chảy qua song chắn rác để loại bỏ rác và các dạng sơ sợi lẫn trong nước. Nước thải qua song chắn rác chảy vào bể điều hòa, tại đây nước thải được điều hòa về lưu lượng cùng với nồng độ các chất ô nhiễm như: BOD, COD, SS,…bằng quá trình sục khí sơ bộ.

Nước thải từ bể điều hòa được bơm lên bể keo tụ, các hóa chất như phàn sắt hoặc PAC và một số hóa chất hiệu chỉnh môi trường được thêm vào với liều lượng nhất định mục đích làm tăng hiệu suất của quá trình keo tụ.

Nước thải từ bể keo tụ tự chảy qua bể lắng nhằm tách các bông cặn hình thành ở bể keo tụ, tại đây dưới tác dụng của trọng lực và sự chênh lệch tỷ trọng giữa nước và bùn cặn, phần bùn cặn lắng xuống đáy bể và định kỳ được xả ra sân phơi bùn.

Nước sau quá trình xử lý hóa lý và lắng tách cặn đảm bảo loại bỏ phần lớn các cặn lơ lửng và kim loại nặng được đưa sang bể sâu.

Tiếp theo nước thải được dẫn sang bể trung gian để khử màu. Với thời gian lưu thích hợp, có thể sục khí để hoà trộn đều hoá chất khử màu với nước thải. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại hóa chất khử màu rất hiệu quả, đặc biệt là hóa chất khử màu có tên gọi HANO. Đây là hóa chất đặc biệt, khử được tất cả các màu, kể cả các màu khó như chất quang sắc, đặc biệt hơn là HANO hoạt động tốt mà không phụ thuộc vào các yếu tố nhiệt độ, pH, độ oxi hóa… Nước sau khi qua bể trung gian kết hợp khử màu sẽ chảy qua bể lọc.

Bể lọc với lớp vật liệu lọc là đá nhằm loại bỏ cặn còn lại sau quá trình xử lý đảm bảo độ trong của nước.

Trước khi thải ra nguồn tiếp nhận, nước được dẫn qua bể khử trùng có bổ sung Clo để tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh như E.coli, Coliform…đảm bảo nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn quy định trong QCVN 13:2015/BTNMT.

Trạm xử lý nước thải dệt nhuộm

Hình 8: Trạm xử lý nước thải dệt nhuộm